Các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe cảnh báo rằng, nhiều người trong chúng ta hiện nay đang bị mất cân bằng dinh dưỡng, chế độ ăn uống thường nhiều thịt ít rau, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Như vậy, lượng dinh dưỡng cần cho cơ thể hàng ngày là bao nhiêu ? Chúng ta hãy xem qua tháp dinh dưỡng sau đây.

Đối với người trưởng thành, hàng ngày phải cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng, cả về lượng và về chất. Hãy tham khảo lại bài viết: Các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Trong bài viết này chúng ta phân tích sâu hơn về lượng.

Chất bột đường (gluxit/carbohydrat)

Nhóm chất này chiếm 60 – 65% tổng năng lượng khẩu phần. Một gram carbohydrat cung cấp 4 kcal năng lượng. Cơm, bánh mì, bún, miến… những thực phẩm là nguồn cung cấp tinh bột cho các hoạt động của cơ thể trong ngày.  Lượng tiêu thụ chuẩn đối với thực phẩm này là 12kg/tháng là đủ “chuẩn” dinh dưỡng, tương đương với 300 – 400gr/ngày.

Vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật

Nhóm này không cung cấp năng lượng nhưng cần thiết cho cơ thể để cơ thể hoạt động trợ tru. Nếu thiếu hụt nhóm dưỡng chất này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.

Rau xanh là nguồn cung cấp chính các loại vitamin, chất xơ, khoáng chất và dưỡng chất thực vật cần thiết cho cơ thể giúp cơ thể khỏe mạnh, hoạt động tốt. Một số loại rau có màu xanh thẫm như rau cải, su su, su hào… còn có tác dụng phòng chống một số bệnh ung thư, giảm lượng cholesterol trong máu, tránh thừa cân béo phì.

Rau tuy rất tốt nhưng chúng ta cũng cần có chế độ ăn hợp lý. Đối với người bình thường khỏe mạnh thì mỗi tháng cần tiêu thụ 10kg rau xanh, tương đương với 400 – 600gr/ngày. Còn trái cây thì chỉ cần 200 – 300gr/ngày là đủ để cơ thể phát triển.

Tuy nhiên, để đầy đủ, lưu ý bổ sung đầy đủ và cân bằng thực vật ở 5 nhóm màu: Đỏ, Cam/Vàng, Xanh lá, Trắng, Tím/Xanh dương. Có như vậy cơ thể mới đầy đủ các dưỡng chất thực vật để chống lại các tác nhân oxy hóa, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

Chất đạm (protein)

Đạm (protein) cũng là chất căn bản của sự sống trong mọi tế bào, là thành phần của các mô cấu tạo và bảo vệ cơ thể cũng như tế bào mềm ở các cơ quan. Trung bình, tỷ lệ chất đạm trong cơ thể con người là từ 10% – 20% trọng lượng.

Thịt, sữa, trứng, cá, hải sản, đậu là những thực phẩm cung cấp protein chính cho cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mỗi người chúng ta chỉ nên hấp thụ 200gr/ngày đối với các loại thịt nói chung. Tuy nhiên, chú ý rằng protein hấp thu có giới hạn nên mỗi bữa nên giới hạn lại lượng protein cung cấp cho cơ thể. Không nên ăn nhiều trong một bữa và những bữa khác nhịn ăn. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc xen kẽ giữa protein thực vật và protein động vật. Protein động vật là những protein đầy đủ, cung cấp đủ axit amin thiết yếu cho cơ thể nhưng chưa nhiều lại có thể chứ nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe.

Nhóm chất béo (lipid)

Ở người trưởng thành, chất béo chiếm 20 – 25% tổng năng lượng khẩu phần ăn, và có nhiều trong dầu, mỡ, bơ… với vai trò cung cấp, dự trữ năng lượng trong mô mỡ, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, thay vì dùng mỡ động vật, bạn nên dùng dầu ăn có nguồn gốc thực vật hoặc có thể nạp chất béo trực tiếp từ một số loại thực phẩm có trong vừng, lạc… và mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ khoảng 30gr tương đương 5 thìa cà phê dầu, mỡ. Nếu có thể, sử dụng thêm dầu ô liu loại thượng hạng (extra virgin hoặc virgin) rất có lợi cho sức khỏe. Xem thêm bài viết: Các loại dầu ô liu.

Tóm lại

Hàng ngày cơ thể phải cung cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng cần cho cơ thể như đã để cập để cơ thể có đầy đủ nguyên liệu hoạt động tốt nhất. Sự thiếu hụt dinh dưỡng lâu dài sẽ gây ra nhiều loại bệnh tật, kể cả ung thư. Tuy nhiên, hiện tưởng ăn nhiều vẫn thiếu hụt dinh dưỡng là hiện tượng thường gặp ở nhiều người. Hãy xem bài tiếp theo trong chuỗi tư vấn dinh dưỡng cơ bản này nhé.